Biên soạn: Trương Văn Chiến và Nguyễn Thế Vinh (thuộc Kmin Creators)
Tóm tắt
Chào các bạn, đặc biệt là các bạn chuẩn bị bước vào con đường học lập trình. Có bao giờ các bạn từng suy nghĩ khi học lập trình là sẽ lập trình cái gì và như thế nào chưa? Liệu những dòng code của mình sẽ viết ở đâu ta 🙄 Word à? Notepad, viết trên giấy hay đại loại vậy.
Ở bài viết này mình sẽ nói về hai trong số những công cụ hỗ trợ lập trình phổ biến nhất hiện nay, được rất nhiều các lập trình viên sử dụng. Hãy cùng mình bắt đầu nhé!!!
Công cụ hỗ trợ lập trình là gì?
Môi trường phát triển tích hợp - IDE (Integrated Development Environment) hay còn gọi là môi trường tích hợp dùng để viết code và phát triển ứng dụng. Bên trong IDE còn có tích hợp các tool hỗ trợ khác như trình biên dịch (Compiler), trình thông dịch (Interpreter), kiểm tra lỗi (Debugger),...
Có rất nhiều cách để các bạn viết code, tùy vào dự án, mục đích sử dụng mà các bạn sẽ quyết định IDE cho dự án hoặc mục đích đó.
Sau đây mình sẽ giới thiệu khá chi tiết về 2 IDE cực kì phổ biến của Microsoft đó là Visual Studio và Visual Studio Code. 2 công cụ này đều hỗ trợ cho các hệ điều hành như Mac, Windows, Linux,...
I - Microsoft Visual Studio
Đây là IDE được các lập trình viên sử dụng nhiều nhất trên thế giới, chủ yếu được sử dụng để lập trình C++ và C# (theo Wikipedia). Chính Microsoft Visual Studio cũng được viết bằng C#.
Từ lúc ra đời (năm 1997) đến nay đã có nhiều phiên bản được ra mắt như VS 2005, VS 2010, VS 2013,... Phiên bản mới nhất hiện tại là VS 2019 và Microsoft sắp cho ra mắt VS 2022. Việc này giúp người dùng có thể lựa chọn được phiên bản tương thích với cấu hình máy đang sử dụng.
1. Một số tính năng của Visual Studio
- Hỗ trợ nhiều ngôn ngữ như C/C++, C#, F#, Visual Basic, JavaScript,...
- Debug trực quan, dễ sử dụng thông qua breakpoints. Chúng ta có thể xem được giá trị của biến trong quá trình chạy và kiểm tra được từng câu lệnh.
- IntelliSense: đây là một tính năng nhắc lệnh và hoàn thành đoạn code cực kì hay và hữu ích. Nó giúp người code tiết kiệm được thời gian và giảm thiểu việc sai chính tả. Điều này giúp việc code trở nên nhanh hơn cho cả người mới học và cả những lập trình viên lâu năm.
- Cho phép sử dụng plug-in hoặc thư viện bên thứ 3.
- Visual Studio hỗ trợ phát triển ứng dụng Desktop MFC, Windows Forms Application, Universal App, ứng dụng Windows 10, Android (Xamarin), iOS và phát triển website với ASP.NET MVC (ASP.NET Core MVC) và phát triển ứng dụng tương tác với Microsoft Office.
2. Vậy tại sao nên sử dụng Visual Studio?
Từ những tính năng đã liệt kê ở trên chúng ta cũng đã hiểu lí do vì sao nó được nhiều người sử dụng đến vậy. Ngoài ra còn 1 số lí do sau:
- Hỗ trợ hầu hết các dòng máy và hệ điều hành khác nhau.
- Hỗ trợ kéo thả để xây dựng ứng dụng một cách chuyên nghiệp.
- Chính vì số lượng lập trình viên sử dụng đông đảo nên cộng đồng hỗ trợ cực kì lớn.
3. Nhược điểm của Visual Studio
- Tuy có giao diện đẹp, nhưng khá khó sử dụng cho người mới học lập trình. Vì khá nhiều bước thiết lập và cài đặt.
- Vì Visual Studio là một IDE nặng nên cần sử dụng nhiều tài nguyên để khởi động và vận hành.
Tìm hiểu thêm và download ở đây nhé!
II - Microsoft Visual Studio Code (VS Code)
Như mình đã giới thiệu về Microsoft Visual Studio, nó đa dụng phổ biến là thế nhưng dĩ nhiên vẫn không thế tránh khỏi các nhược điểm đã kể ở trên. Theo thời gian, công cụ viết code dành cho một lập trình viên yêu cầu cần phải nhanh, gọn, nhẹ hơn. Và để giải quyết được những vấn đề đó, một công cụ mới được mang tên VS Code ra đời vào tháng 4 năm 2015 (theo Wikipedia) tại hội thảo Build của Microsoft.
1. Một số tính năng của Visual Studio Code
Thừa hưởng từ Visual Studio thì VS Code cũng có những tính năng ở trên và còn bổ sung thêm nhiều tính năng hữu ích như:
- EXPLORER
Nếu như các bạn đã làm việc với Visual Studio rồi thì có lẽ đã quen thuộc với cửa sổ Solution Explore, VS Code cũng có một cửa sổ quản lý tất cả các file của dự án tên là Explorer. Bên trong Explorer có:
- Open Editor: Đây là nơi hiển thị các file mà các bạn đang mở trên màn hình làm việc chính.
- My-Folder: Nếu các bạn bắt đầu một dự án mới bằng cách Click Chuột phải vào một thư mục → Chọn Open with Visual Studio Code, hoặc kéo thả thư mục đó vào Visual Studio Code. Thì thư mục đó chính là My-Folder. Nói cách khác, My-Folder ở đây chính là dự án mà bạn đang làm việc.
- Outline: Đây là nơi hiển thị tất cả các giá trị như biến, hàm, mảng - các giá trị của mảng đó được khai báo bên trong file mà bạn đang làm việc.
- SEARCH
Visual Studio Code cho phép bạn nhanh chóng tìm kiếm trên tất cả các tệp trong thư mục hiện đang mở. Bạn có thể nhấp vào biểu tượng kính lúp hoặc nhấn tổ hợp phím Ctrl + Shift + F và nhập cụm từ tìm kiếm của mình. Kết quả tìm kiếm sẽ được hiển thị dưới dạng các tệp được nhóm lại, các tệp đó chứa cụm từ tìm kiếm bạn đã nhập, bên cạnh sẽ là con số chỉ ra số lần xuất hiện của cụm từ mà bạn tìm kiếm. Từ đó nhấp một lần vào một trong các dòng được hiển thị để xem nó trong trình chỉnh sửa.
- RUN AND DEBUG
Đây là một chức năng mà hầu như IDE nào cũng có, về thao tác cơ bản khi Debug là như nhau. Đầu tiên là đặt breakpoint, kế đến là cho chạy chương trình cho tới khi đụng breakpoint. Từ đó mà bạn linh hoạt kiểm tra về các sự thay đổi. Chức năng này khá quen thuộc nên mình cũng sẽ không nói gì nhiều về phần này, các bạn hãy sử dụng và có cảm nhận cho riêng mình nhé.
- EXTENSIONS
Mình lấy ví dụ là một chiếc xe nhé, nếu các bạn muốn con xe của mình trong xịn xò hơn, vip pro hơn thì mình sẽ đi nâng cấp thêm cho nó đúng không 😈! Để chạy nhanh thì nâng cấp máy, để xe đẹp thì nâng cấp áo của xe chẳng hạn,...
Extensions trong VSCode cũng tương tự thế, sỡ dĩ mình ví dụ bằng chiếc xe vì xe là một công cụ dùng cho việc di chuyển, còn VSCode cũng là một công cụ và công cụ này dùng để làm việc. Vậy để công cụ này được mở rộng hỗ trợ cho việc code hơn, giúp việc code trở nên linh hoạt và dễ dàng hơn thì chúng ta không thể thiếu Extensions. Hãy cùng điểm qua vài Extensions mình thường sử dụng nhé:
- Live Server: Dựng một sever chạy HTML/CSS/JS, sau khi bạn save code trình duyệt sẽ tự động re-fresh, bạn ****đỡ phải tốn công F5 hoài rất là mệt 😒.
- ESLint + Prettier: ESLint giúp bạn code đúng chuẩn, đúng format, giúp sửa những lỗi linh tinh khi code. Prettier thì hỗ trợ bạn format code, sửa theo đúng chuẩn từ ESLint. Cài 2 cái này xong, dù trong quá trình làm bạn có lỡ tay code tùm lum thì khi save lại code cũng vừa đẹp vừa chuẩn ngay (tham khảo internet).
- Dracular Official: Nếu một ngày đẹp trời nhìn vào đống code xong thấy có mấy màu mà lặp đi lặp lại phát chán thì ông này sẽ biến mớ code của bạn trở nên màu sắc hơn nhiều đấy nhé. Ngoài ra cũng có rất nhiều các công cụ khác về màu sắc của code nữa, hãy tự mình khám phá nha.
- INTELLISENCE Cũng tương tự như Visual Studio nhưng IntelliSence của VS Code còn hỗ trợ mạnh mẽ hơn với nhiều plug-in của nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó bao gồm JavaScript, TypeScript, JSON, HTML, CSS, SCSS. Mình cũng có lượn vài vòng trên Internet thì thấy đa số mọi người đều cho rằng Intellisence của VS Code là xịn nhất đó nha.
2. Tại sao nên dùng Visual Studio Code?
- VS Code có mọi thứ mà bất kỳ lập trình viên nào cũng mong đợi ở một trình soạn thảo code và cộng thêm các tính năng bổ sung hữu ích (extensions).
- VS Code gọn, nhẹ, mang tới sự nhanh chóng trong việc khởi động. Mã nguồn mở và đa nền tảng cùng với các tính năng thú vị khác.
- Giao diện đơn giản, đẹp và dễ sử dụng, cực kì phù hợp với người mới học lập trình
- Trên hết, VS Code là phần mềm miễn phí, được đông đảo lập trình viên trên thế giới sử dụng và cộng đồng hỗ trợ đông đảo.
3. Nhận xét chung
Nhận xét của mình về VS Code là khá tốt và đa dụng. Do vậy mà VS Code có một lượng người sử dụng rất lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn rất nhiều các lập trình viên trên toàn thế giới. Mình cũng bắt đầu học lập trình với VS Code và mình hầu như không gặp phải vấn đề gì về nó cả. Bất cứ thứ gì bạn cần VS Code đều có, nếu nó không có thì tương lai sẽ có!
Tổng kết
Qua bài viết này mình đã giúp các bạn biết về Visual Studio và Visual Studio Code, hai công cụ lập trình cực kì đa dụng. Và lưu ý rằng để học lập trình hiệu quả thì hãy bắt đầu với những thứ cơ bản và phải kiên nhẫn với bản thân.
Những kiến thức ở trên chỉ là một phần rất nhỏ trong hành trang đi vào con đường lập trình. Ngoài ra còn rất nhiều kiến thức quan trọng khác nữa. Hãy chờ đón những bài viết tiếp theo của Kmin Creators nhé!
Tham gia Group Facebook "Lập trình cho người mới bắt đầu" để cùng nhau phát triển nhé!