Cách lãnh đạo khi bạn không có thực quyền

Bốn trụ cột để tăng ảnh hưởng của bạn trong công việc và trong cuộc sống

    Photo by Headway on Unsplash

    Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đều còn nhớ bộ phim năm 2002, My Big Fat Greek Wedding (đám cưới Hi Lạp to tổ chảng của tôi). Nó là một câu chuyện vui nhộn về sự vật lộn của Toula (con gái của một gia đình truyền thống ở Hy Lạp) khi cô yêu và kết hôn.

    Có một cảnh đặc biệt khi Toula xin phép cha cô đi học đại học. Cô lý luận rất hợp lý (bạn có thể thấy bên dưới) nhưng cha cô ấy đáp lại bằng một giọng đầy căng thẳng “Tại sao con lại muốn bỏ bố!”.

    https://medium.com/media/11fa06c9ea55f9d2461fa7bc7d875685

    Dường như mọi việc có vẻ vô vọng với Toula vì cha cô là chủ gia đình và những gì ông nói khó làm trái được,... hoặc Toula nghĩ vậy.

    Đúng lúc đó, mẹ của Toula bước vào và nói "Đừng lo lắng, Toula, mẹ sẽ nói chuyện với bố con" nhưng Toula trả lời "Mẹ à, Bố rất cứng đầu và mẹ biết bố nói gì rồi đó, bố là chủ gia đình."

    Mẹ cô trả lời "để mẹ dạy con một điều nhé Toula, đàn ông là đầu nhưng phụ nữ là cổ, và cái cổ có thể quay cái đầu theo bất kỳ hướng nào nó muốn."

    https://medium.com/media/1207e970bf80bee80a41bd98c41427cf

    Khoảnh khắc vui nhộn này trong phim thực sự phản ánh một số nguyên tắc giá trị. Ok, tôi biết bộ phim này khá là châm biến và các nhân vật thì đầy tính khuân mẫu, nhưng hãy tin tôi, chúng ta có thể học được từ bộ phim một số bài học sâu sắc.

    Trước hết, người mẹ không hề kiêu hãnh. Bà không cần là “chủ gia đình” để lãnh đạo và dẫn dắt. Bà biết mình có thể dẫn dắt nhờ ảnh hưởng của bản thân.

    Thứ nữa, người mẹ không hề vụ lợi. Động lực của bà hoàn toàn là giúp cô con gái vào đại học. Bà không theo đuổi tham vọng hay lợi ích cá nhân, mà là lợi ích của người khác.

    Hãy coi hai khái niệm này là nền tảng của mọi thứ bạn đọc trong bài viết này. Bài này trình bày bốn trụ cột về cách lãnh đạo khi không có thực quyền, nhưng tôi cảnh báo bạn rằng, bạn sẽ thất bại nếu bạn cố gắng sử dụng những trụ cột này mà không dựa vào những nền tảng nêu trên.

    Thực tế thì, những trụ cột này không thể thực hiện được trừ khi chúng được đặt trên nền tảng của sự khiêm tốn và vị tha; tuy nhiên, nếu bạn có thể chấp nhận những nguyên tắc này, những trụ cột này sẽ biến đổi hoàn toàn khả năng lãnh đạo và dẫn dắt của bạn. Bạn sẽ có được sức mạnh để biến đổi bất kỳ tình huống nào bạn gặp phải - cho dù bạn có ở vị trí nắm quyền lực hay không.

Lãnh đạo không thực quyền

    Lần đầu tiên tôi được biết đến khái niệm lãnh đạo mà không nắm quyền lực khi tôi làm việc cho một tổ chức hoạt động kém hiệu quả. Tôi chứng kiến những dự án lớn dần chìm vào quên lãng, mọi người đều bị cuốn vào vòng xoáy của lo lắng và ngờ vực, và mọi người dường như luôn nghĩ rằng “ai đó khác” là gốc rễ của các vấn đề của họ.

    Đây là khoảng thời gian khó khăn đối với tôi vì tôi không biết phải làm thế nào để thay đổi tình trạng của mình.

    Chắc chắn rồi, nếu tôi có quyền thế, tôi có thể đã làm được điều gì đó có ịch, nhưng không. Sếp tôi kiểm soát tất cả và tôi đã bất lực… hoặc tôi nghĩ vậy.

    Tôi từng nghe ai đó đề xuất khái niệm lãnh đạo không cần quyền lực và lúc đó họ giống như gã khờ đối với tôi. Làm thế nào tôi có thể lãnh đạo nếu tôi không nắm quyền lực? Tuy vậy, có cái gì đó về khái niệm này vẫn khiến tôi tò mò.

    Tôi luôn thích thú với những ý tưởng mới và tư duy “vượt khỏi khuân khổ”, nhưng thật ngạc nhiên, ý tưởng này lại không hề mới chút nào. Nó thực chất là một phương pháp được giảng dạy rộng rãi trong giới lãnh đạo.

    Ví dụ John Maxwell (một học giả tiếng tăm trong giới Lãnh đạo) nói:

“Lãnh đạo là một sự lựa chọn của bạn hơn là một nơi bạn ngồi. Nói cách khác, khả năng lãnh đạo đến từ ảnh hưởng chứ không phải từ vị trí của bạn. Vì lý do này, ngay cả khi bạn không ở tuyến đầu, bạn vẫn đang dẫn dắt những người xung quanh mình.”

    Nhiều nhà lãnh đạo lỗi lạc khác đã nói những điều tương tự. Ví dụ, Michael Hyatt nói:

“Cái quan trọng của Lãnh đạo là sự ảnh hưởng, không phải kiểm soát. Tôi không phải là người đầu tiên đưa ra nhận định này, nhưng nó là điều đáng phải nhắc lại… Các nhà lãnh đạo tương lai sẽ trở thành lãnh đạo giỏi nếu họ ngừng tập trung vào việc kiểm soát và cố gắng mở rộng ảnh hưởng của mình..”

    Tôi từng thấy chính mình trong đó - tập trung vào những thứ tôi không thể kiểm soát (như vị trí tôi trong tổ chức) chứ không phải những thứ tôi có thể (như mức độ ảnh hưởng mà tôi có). Tôi nghĩ cách duy nhất để thay đổi hoàn cảnh của mình là từ trên xuống, nhưng những lý thuyết hiện đại về lãnh đạo lại nói hoàn toàn ngược lại. Chúng nói rằng cách duy nhất để thay đổi hoàn cảnh của tôi là từ từ dưới lên.

    Không mất nhiều thời gian để tôi nhận ra sự khôn ngoan của những lời đó. Ý tôi là thôi, nếu tất cả những gì tôi làm là ngồi một chỗ và nói “đợi cho đến khi tôi có quyền hành, rồi bạn sẽ thấy, mọi chuyện sẽ khác” thì có ích gì?

    Đừng ngồi một chỗ và chờ đợi một ngày có thể không bao giờ đến. Thay vào đó, hãy chọn bắt đầu thay đổi hoàn cảnh của bạn ngay bây giờ. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy những bước nhỏ đi đúng hướng sẽ đưa bạn đi bao xa. Như câu nói nổi tiếng của Lão Tử:

Cuộc hành trình ngàn dặm bắt đầu bằng một bước đi.

— Lão Tử

Bốn trụ cột để tăng ảnh hưởng của bạn

    Bài viết này tổng hợp tất cả những gì tôi đã học được trong 15 năm qua về chủ đề lảnh đạo thông qua ảnh hưởng và chắt lọc nó thành bốn nguyên tắc hành động (hoặc trụ cột). Tôi đã áp dụng những trụ cột này trong một thời gian dài và chúng đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi trong rất nhiều tình huống.

    Thời kỳ đầu trong sự nghiệp của tôi - khi tôi còn là một nhân viên thấp cổ bé họng không có quyền hạn gì - chúng đã cho tôi khả năng ảnh hưởng đến định hướng của tổ chức.

    Ngày nay, tôi sử dụng chúng cũng nhiều như vậy, mặc dù tôi đã được thăng cấp và hiện đang giữ vai trò quản lý tương đối cao với tầm ảnh hưởng còn lớn hơn trong tổ chức của mình.

    Cái tôi muốn nói là, đây không phải là lời nói suông hay sáo rỗng, những trụ cột này chi phối sự tương tác của con người và như vậy, chúng luôn có thể áp dụng cho tình huống của bạn. Nếu bạn không có thực quyền, bạn có thể sử dụng chúng để dẫn dắt thông qua ảnh hưởng. Tương tự như vậy, ngay cả khi bạn có thực quyền, bạn vẫn có thể sử dụng chúng để dẫn dắt thông qua ảnh hưởng.

    Điều này là do những trụ cột này cho phép bạn thu phục trái tim của người khác. Chúng truyền cảm hứng cho người khác theo bạn vì họ muốn chứ không phải vì họ phải theo bạn.

    Và điều này vượt trội hơn quyền lực bởi vì khi mọi người muốn theo bạn, họ sẽ luôn cố gắng hết sức cho bạn; trong khi, nếu họ chỉ theo bạn vì họ phải làm như vậy, họ sẽ luôn nỗ lực ít nhất có thể được.

    Graphic created by Matt Russell

1. Build Trust- Xây dựng niềm tin: Niềm tin là quan trọng nhất

    Không có gì quan trọng hơn sự tin tưởng. Bạn có thể có tài năng đáng kinh ngạc, bằng cấp khiến người khác trầm trồ và thậm chí tất cả những gì bạn nói đều "đúng", nhưng nếu mọi người không tin tưởng bạn, họ sẽ không nghe theo bạn.

    Sự tin tưởng không phải là một hành động hay một bản lý lịch, nó là một cảm giác mà người khác có về bạn. Cảm giác này xuất phát từ hai điều: 1) niềm tin rằng bạn mang lại lợi ích tốt nhất cho họ, và 2) sự tự tin rằng bạn có khả năng giúp đỡ họ.

    Một trong những cách tốt nhất để xây dựng điều này là nhờ mọi người cho lời khuyên và lắng nghe họ (mọi người đều muốn được lắng nghe), quan tâm đến những gì quan trọng đối với họ (điều này khiến họ cảm thấy mình quan trọng) và luôn chân thành (điều này cho họ thấy bạn không có mưu mô gì).

    Hãy coi niềm tin là nhịp cầu nối bạn với người khác; với nó, họ sẽ lắng nghe bạn, nhưng không có nó, họ sẽ không.

    Đó là lý do tại sao sự tin tưởng phải đặt lên hàng đầu. Khi bạn xây dựng nó với những người xung quanh - cho dù họ là sếp, đồng nghiệp hay cấp dưới của bạn - Nó sẽ làm tăng ảnh hưởng của bạn trong tổ chức.

    Ảnh hưởng đó là chìa khóa vì nó là thứ mang lại cho bạn cơ hội để dẫn dắt người khác đi theo hướng tốt hơn.

Ứng dụng thực tế:

    Tôi đã áp dụng trụ cột này như thế nào: Tôi nhớ rất rõ một người phụ nữ (tôi sẽ không nêu tên) có tính cạnh tranh quá mức. Cô ta thường xuyên phá tôi và thổi phồng bản thân để vượt lên. Cô ta cũng có quyền hạn hơn tôi, mặc dù cô ấy không phải là sếp của tôi. Vấn đề là sếp của tôi đã lắng nghe tất cả những gì cô ta nói, và vì ông ấy bận trong văn phòng cả ngày, nên ông ấy không có cơ sở gì để nghi ngờ những điều đó. Điều này thật bất công và thực sự gây bực bội cho bất kì ai, nhưng tôi thì không để cô ta ảnh hưởng tiêu cực đến mình Thay vì phản ứng với tình huống này theo lối thông thường, tôi quyết định sẽ hành động một cách cao thượng. Rốt cuộc, tôi có thể đã không kiểm soát được tình hình, nhưng tôi chắc chắn có thể kiểm soát phản ứng của mình. Đây là những gì tôi đã làm. Tôi bắt đầu hỏi ý kiến cô ta về những dự án mà tôi đang thực hiện. Điều này làm cô ta kinh ngạc. Cô ta thực sự không biết làm thế nào để trả lời nó. Một phần trong cô ta đang nghĩ "anh ta định làm gì?" phần khác là "tất nhiên anh ta cần lời khuyên của mình." Nhưng tôi không bỏ lỡ một nhịp nào. Tôi tập trung vào bức tranh lớn hơn - đó là tăng cường ảnh hưởng và thay đổi hoàn cảnh của tôi. Dù vậy, đây là phần khó nhất. Tôi thật lòng muốn làm hòa với cô ta. Nếu tôi không thành thật trong nỗ lực của mình, cô ta sẽ nhìn thấu tôi và tôi sẽ chẳng đạt được gì. Tôi đã kiên trì và theo thời gian nó hiệu quả! Khi tôi xây dựng niềm tin với cô ta, nó đã thay đổi mọi thứ. Cô ta đã ngừng làm cho cuộc sống của tôi trở nên khó khăn và thậm chí còn bắt đầu ghi công cho tôi vì những việc tôi đã làm (ai có thể đoán điều đó được chứ?).

    Graphic created by Matt Russell

2. Create Alignment- Tạo sự Thống nhất: Sức mạnh của Giao tiếp

    Tôi thấy thật ngạc nhiên là hầu như trong mọi tổ chức, bạn đều có thể thấy mọi người làm mọi việc, nhưng lại đi theo những hướng khác nhau.

    Điều này xảy ra do sự thiếu giao tiếp. Tất cả chúng ta vì lý do này hay lý do khác đều mắc lỗi này tại một thời điểm nào đó.

    Có thể chúng ta không hỏi với sếp (hoặc những người khác) về các vấn đề gặp phải vì chúng ta cảm thấy làm phiền họ hoặc nó khiến chúng ta trông như một kẻ khờ. Hoặc có lẽ chúng ta chỉ có tầm nhìn hẹp về một dự án và không thể nhìn thấy (hoặc biết) những gì người khác đang làm. Tuy vậy có nhiều lúc chúng ta lại quá bận rộn giao tiếp, tán gẫu nhiều hơn mức cần thiết.

    Dù thế nào đi nữa, sự thiếu giao tiếp này là một cơ hội bị bỏ lỡ.

    Nếu niềm tin là nhịp cầu kết nối bạn với những người khác, thì giao tiếp chính là phương tiện. Nó cho phép bạn điều chỉnh các hành động và mục tiêu của mình với những người xung quanh.

    Tin tốt là bất kỳ ai cũng có thể làm điều này - bất kể bạn ở vị trí nào trong tổ chức. Miễn là bạn có lòng tin với người khác thì bạn đã có một cánh cửa giao tiếp rộng mở với họ.

    Một số cách để thực hiện việc này là gửi email định kỳ hoặc thường xuyên, để tận dụng các cuộc họp hiện có (hoặc bắt đầu cuộc họp mới), đặt trước các phiên họp trực tiếp với những người quan trọng, hoặc chỉ đơn giản là tranh thủ đề cập đến vấn đề của bạn trong các cuộc tán gẫu cạnh máy làm mát nước trong văn phòng.

    Làm thế nào không quan trọng (bạn sẽ biết thời gian và địa điểm thích hợp), điều quan trọng là bạn bắt đầu cuộc trò chuyện.

    Đây là một trong những phần cơ bản và đơn giản nhất của cuộc sống - tất cả chúng ta đều giao tiếp hàng ngày - nhưng khi bạn sử dụng nó để gắn kết những người khác với một mục tiêu chung, nó mang lại cho bạn sức mạnh để thay đổi hoàn cảnh của mình.

Ứng dụng thực tế:

    Tôi đã áp dụng trụ cột này như thế nào: Ngay từ khi mới vào nghề, tôi luôn hăng say với thái độ “ mình có thể làm mọi thứ”. Tôi luôn muốn chấp nhận các dự án mới và hầu như không bao giờ từ chối thử thách nào. Vấn đề là tôi quản lý thời gian rất kém. Tôi luôn nghĩ rằng chỉ cần lao vào là hoàn thành được việc. Nhưng tôi đã nhầm. Một ngày chỉ có từng ấy tiếng mà thôi. Tôi đã quá bận và cần được giúp đỡ. Tất nhiên tôi tiếp tục cố gắng tự mình làm tất cả - như bất kỳ kẻ bướng bỉnh và quá tự tin nào - và dĩ nhiên đã không thành công. Deadline đang gần kề và tôi sắp sửa đối mặt với sự thất bại ê chề. Không còn đường lùi, tôi đành thử cầu may áp dụng cách cuối này trong tuyệt vọng. Tôi email cấp trên về việc tôi đang ở đâu trong dự án và những phần vẫn đang dang dở - nói cách khác, tôi đã tận dụng sức mạnh của giao tiếp. Kết quả là… Họ chỉ định thêm nhân lực để giúp một số việc và chúng tôi đã hoàn thành dự án trước thời hạn. Phù… Nó cũng không thực sự quá tệ. Bây giờ, nhìn lại điều này dưới góc độ của một nhà quản lý, tôi có thể nói chắc nịch rằng giao tiếp sớm và thường xuyên luôn là lựa chọn đúng đắn. Điều này cho phép cấp quản lý có thể giúp được bạn. Ngoài ra, bạn sẽ trông giống như một siêu sao khi đến thời điểm đánh giá năng lực bởi vì họ sẽ nghĩ bạn là một nhân viên có trách nhiệm và chủ động, luôn cập nhật tình hình cho cấp trên.

    Graphic created by Matt Russell

3. Cultivate Momentum- Tạo đà: Hãy hành động và những người khác sẽ làm theo

    Một điều khác khiến tôi ngạc nhiên là việc mọi người biết một ý tưởng là hay mà không thực hiện theo nó diễn ra thường xuyên như thế nào.

    Họ nói rằng họ không muốn "gây rắc rối" hoặc rằng họ không chắc liệu mình có được phép làm "điều này" hoặc "điều kia" không.

    Trong đa số trường hợp, bạn nên tin vào bản năng của mình trong những tình huống này. Nếu nó có vẻ là một ý tưởng hay đối với bạn, thì rất có thể nó cũng sẽ là một ý tưởng hay đối với người khác.

    Tôi sẽ nói lại lần nữa, bất cứ khi nào bạn đang tự hỏi liệu bạn có nên hành động theo một điều gì đó mà bạn tin rằng đó là một ý tưởng hay, bạn hoàn toàn nên hành động theo nó.

    Hành động của bạn không chỉ là chất xúc tác để người khác làm theo mà còn giúp ý tưởng của bạn bắt đầu được thực hiện.

    Động cơ của mọi thay đổi là hành động. Điều đáng chú ý là hành động đơn giản theo ý tưởng của bạn sẽ thúc đẩy người khác theo nó như thế nào.

    Đó là nguồn gốc của động lực. Trên thực tế, khi ý tưởng của bạn bắt đầu thành công, người khác sẽ làm theo bạn vì họ cũng muốn thành công. Họ nói với chính mình, "nếu anh ấy hoặc cô ấy có thể làm được, thì tôi cũng có thể làm được."

    Nhưng tại sao phải đợi người khác mở đường cho bạn? Bạn đã có khả năng thực hiện những ý tưởng tốt của riêng mình ngay bây giờ - và bạn có thể làm điều này cho dù bạn có ở vị trí có thẩm quyền hay không.

Ứng dụng thực tế:

    Cách tôi đã áp dụng trụ cột này: Một ví dụ của trụ cột này mà tôi nghĩ đến là khi tổ chức của tôi đưa ra một tài liệu chiến lược đầy tham vọng khi tôi còn là một nhân viên quèn. Tôi đọc tài liệu này như những người khác, nhưng tôi thấy một điều gì đó khác biệt. Tôi không chỉ thấy một chiến lược lý thuyết, tôi còn thấy những cách thực tế mà chúng tôi có thể áp dụng chiến lược trong đơn vị làm việc của mình. Một phần tôi nói “Tôi không biết… đó là vấn đề quản lý, không phải thứ dành cho những nhân viên cấp thấp như mình” nhưng một phần khác lại nói “nếu mình không làm điều này, ai sẽ làm?” Bạn sẽ làm gì trong tình huống như thế này? Tôi quyết định cứ thực hiện nó đi, và nó đã thành công! Những nỗ lực của tôi không chỉ giúp kết nối đơn vị làm việc của tôi với tầm nhìn rộng hơn của tổ chức mà còn khiến toàn bộ chuỗi quản lý cấp trên của tôi trông giống như những thiên tài. Ban quản lý nhận phần lớn công lao về mình dưới danh nghĩa "định hướng lực lượng lao động" (dẫn dắt mà không có quyền lực đúng là rất khó). Nhưng họ vẫn đền bù xứng đáng cho tôi bằng khoản nâng lương cuối năm và dọn đường để tôi thăng chức sau này - Mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Hãy nhớ rằng, bức tranh tổng thể là quan trọng nhất. Khi những người khác thấy những gì tôi có thể làm, họ cũng làm theo. Họ bắt đầu thực hiện những ý tưởng của riêng mình, kết nối những nỗ lực của họ với chiến lược lớn hơn của tổ chức. Và nó cũng hiệu quả với nhiều người trong số họ. Tất cả những gì cần có là một người thực hiện để những người khác làm theo. Tại sao chúng ta không là người mở đường đó?

    Graphic created by Matt Russell

4. Inspire Belief-Khơi dậy niềm tin: Tìm đến mục đích lớn hơn

    Điều cuối cùng và cũng là điều tôi nghĩ là cách quan trọng nhất để dẫn dắt thông qua ảnh hưởng là bằng cách khơi dậy niềm tin. Bạn làm điều này bằng cách giúp những người khác tìm thấy mục đích lớn hơn trong công việc của họ.

    Trong quân đội, điều này thể hiện ý thức về nghĩa vụ cao hơn cả bản thân - lòng trung thành với đồng đội, với sứ mệnh và đất nước của bạn vượt trên những nhu cầu hoặc mục tiêu cá nhân của bạn.

    Chúng ta cũng tìm thấy đức tính này ở những người lính cứu hỏa, cảnh sát và thậm chí cả nhân viên y tế khi họ lao vào những tòa nhà đang cháy hoặc những tình huống nguy hiểm để chăm sóc những người cần sự giúp đỡ.

    Lý do tại sao những anh hùng này - và đó chắc chắn là từ thích hợp để nói về họ - đặt sứ mệnh lên trên an nguy bản thân là vì họ tin vào những gì họ làm. Họ có ý thức sâu sắc rằng công việc của họ là quan trọng và luôn cố gắng làm tốt nhất trong công việc của mình.

    Mặc dù thế giới kinh doanh khác biệt hơn nhiều những nghề cao quí trên, bạn và tôi đều có khả năng giống nhau để khơi dậy niềm tin này.

    Thực tế là, tất cả mọi người - từ kế toán, nhà phát triển phần mềm, đến các chuyên gia tiếp thị, v.v. - đều muốn cảm thấy có mục đích (cảm giác quan trọng) đối với những gì họ làm.

    Người có thể tìm ra mục đích này (và khơi dậy niềm tin vào nó) sẽ tự mình là một cục nam châm. Họ sẽ có ảnh hưởng với mọi người bởi vì mọi người sẽ tìm kiếm ý nghĩa và nguồn cảm hứng từ họ.

    Tất cả các nhà lãnh đạo vĩ đại đều có phẩm chất này, và họ đã có nó trước khi ở vị trí lãnh đạo.

    Những người như Martin Luther King, Winston Churchill và Mẹ Theresa không phát triển khả năng truyền cảm hứng cho người khác khi họ đã nắm quyền lực; thay vào đó, họ có thể ở vị trí như vậy vì họ đã có thể truyền cảm hứng cho nhiều người.

    Nếu động lực là động cơ khiến mọi thứ chuyển động, thì niềm tin chính là nhiên liệu giúp mọi thứ tiếp tục tiến lên. Đó là thứ truyền cảm hứng cho những người khác vươn tới những gì vĩ đại hơn chính họ.

    Tôi biết bạn đang nghĩ gì… đại loại như “dĩ nhiên với những vĩ nhân giải phóng con người khỏi áp bức, giải quyết nạn đói nghèo thì truyền cảm hứng là chuyện quá dễ, nhưng với những người thường như chúng ta thì sao? Làm thế nào để những người còn lại trong chúng ta tìm thấy mục đích trong những việc chúng ta làm? giả sử như cho một kế toán? "

    Câu hỏi rất hay. Đây là câu trả lời tốt nhất của tôi.

    Gần đây, tôi đã nghe một cuộc phỏng vấn từ Jim Weddle, một Đối tác quản lý tại Edward Jones (một công ty đầu tư trong danh sách Fortune 100) thực sự truyền cảm hứng cho tôi. Trong cuộc thảo luận, Jim mô tả công việc của một kế toán tại công ty của anh ấy, không phải là một người xuất sắc với những con số, hay một người chú ý đến chi tiết, mà là một thứ gì đó vĩ đại hơn nhiều.

    Anh nói rằng họ giúp mọi người gửi con cái của họ đi học đại học, chuẩn bị cho việc nghỉ hưu và để lại di sản cho gia đình của họ. Jim nhận thấy mục đích lớn hơn cho việc trở thành một kế toán và sử dụng điều đó để khơi dậy niềm tin vào tầm quan trọng của nó.

    Đây là điều mà tất cả mọi người muốn: cảm giác rằng những gì họ làm là quan trọng. Nếu bạn có thể truyền cảm hứng này cho những người khác, nó sẽ khiến bạn trở nên khác biệt với những người khác. Nó sẽ biến bạn thành một nhà lãnh đạo tài ba và nếu bạn thực hiện trụ cột này (cùng các trụ cột khác) đủ tốt, sẽ không lâu nữa cho đến khi quyền lực là điều bạn ít quan tâm nhất, bởi vì bạn đã thực sự lãnh đạo rồi.

Ứng dụng thực tế:

    Tôi đã áp dụng trụ cột này như thế nào: Tôi sử dụng kỹ năng này thường xuyên; chủ yếu là nhờ sự nhiệt tình của tôi đối với những ý tưởng mới. Bất cứ khi nào tôi đề xuất một điều gì đó mới - một ý tưởng hoặc cách tiếp cận mới - tôi luôn nhiệt tình làm điều đó. Tôi nhận thấy rằng sự nhiệt tình rất dễ lan tỏa. Ví dụ: nỗ lực của tôi (hồi còn là nhân viên quèn) làm thống nhất mục tiêu của đơn vị làm việc trực tiếp của tôi với chiến lược rộng lớn hơn của tổ chức. Tôi đã phải thuyết phục nhiều người tham gia mới khiến ý tưởng này thành hiện thực. Các đồng nghiệp và cấp trên của tôi chắc chắn sẽ không tham gia nếu họ không tin rằng nó quan trọng. Tôi đã làm điều này bằng cách chia sẻ mục đích lớn hơn hay "lý do" của ý tưởng. Tôi đã nói rằng ý tưởng này sẽ giúp chúng tôi làm điều có ý nghĩa như thế nào - và tôi nói với tất cả tấm lòng nhiệt thành của mình. Những người khác bị thu hút bởi ý tưởng làm một điều gì đó có ý nghĩa và tôi nghĩ rằng sự nhiệt tình của tôi cuối cùng đã mang lại cho họ sự tự tin mà họ cần để ủng hộ nó. Kết quả là, những người khác đã bước ra khỏi vùng an toàn của họ và theo tôi - một nhân viên quèn - để thực hiện một số thách thức lớn nhất của tổ chức. Và đó chính là dẫn dắt bằng ảnh hưởng và tất cả những gì chúng ta cần là một chút niềm tin.

    Vậy đó! Tôi hy vọng bạn sẽ tìm thấy những lời khuyên thật sâu sắc ở bài viết này và chúng sẽ thúc đẩy bạn chạm tới mục tiêu của mình, cả trong công việc và cuộc sống.

    Thank you for reading. Vui lòng Share nếu bạn thích bản dịch này và hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn nhé! Hy vọng bạn cũng thích những bài dịch khác của tôi.

    Nguồn: Matt Russell

Nguồn: Viblo

Bình luận
Vui lòng đăng nhập để bình luận
Một số bài viết liên quan