Ở bài trước mình đã đi qua về khái niệm về MOOC link ở đây. Ở bài này mình sẽ tiếp tục con đường tiến tới kỉ nguyên không còn phải đi học nữa. Chai zo!
Và còn một điều nữa nếu bạn đã, đang, và sẽ làm việc với Open edX thì hãy tham gia vào cộng đồng Open edX Việt Nam tại đây. Chùng nhau thảo luận để góp phần hỗ trợ xây dựng và phát triển chất lượng đào tạo nước nhà.
3. Mô hình hoạt động chính của MOOCs
MOOCs ban đầu được xây dựng với các đặc điểm sau đây:
- Massive: Có số lượng rất lớn những người tham gia học tập
- Open: Cho bất kỳ ai có kết nối Internet có thể tham gia khóa học.
- Online: Dạy và học trực tuyến
- Courses: Nội dung khóa học được xây dựng cụ thể và triển khai một cách rõ ràng
Các mô hình hoạt động chính của MOOCs bao gồm:
-
xMOOC (transmissive MOOC): Người dạy truyền đạt nội dung học tới học viên giống như ở các lớp học truyền thống
-
cMOOC (connectivist MOOC): Người học đóng vai trò xây dựng nội dung khóa học cũng như tự quản lý tiến độ học tập của mình dựa trên những tài liệu được cung cấp sẵn.
Một số mô hình khác được phát triển dựa trên MOOC để mở rộng tính ứng dụng, bao gồm: SPOC (Small Private Online Course) hỗ trợ cho các lớp học truyền thống ở các trường Đại học hoặc SOOC (Small Open Online Course) dành cho các khóa học cần phân loại học viên dựa trên bài kiểm tra đầu vào.
4. Ưu nhược điểm của MOOCs
Sự phát triển của mô hình MOOC đã mở ra nhiều hướng phát triển mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Nhờ vào việc tận dụng Web để cung cấp các khóa học, MOOC giúp xóa bỏ những hạn chế về vị trí địa lý, từ đó các khóa học MOOC có thể tiếp cận được nhiều người học hơn. Với số lượng người học tăng lên, chi phí cũng được cắt giảm đáng kể. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, công ty và các trường Đại học còn tận dụng MOOC để quảng bá chất lượng đào tạo của mình thông qua các khóa học ngắn hạn trên các platform phổ biến như Coursera, edX, Udacity, FutureLearn.
Tuy nhiên, mô hình MOOC vẫn còn một số mặt hạn chế. Tính linh hoạt về mặt thời gian và địa điểm của MOOC mang lại nhiều lợi ích cho người học, nhưng nó cũng phần nào làm người học mất đi sự tập trung hoặc động lực cần thiết để hoàn tất khóa học. Kết quả là số lượng người theo dõi khóa học trên thực tế thường thấp hơn nhiều so với số lượng người đăng kí. Ngoài ra, MOOC vẫn chưa được công nhận giá trị rộng rãi như các khóa học truyền thống, mặc dù các nhà tổ chức MOOC và đối tác vẫn đang cố gắng cải thiện tình trạng này.
Bên cạnh đó, các yêu cầu đối với MOOC về cơ bản có nhiều điểm khác biệt so với mô hình lớp học truyền thống:
-
Các vấn đề về kỹ thuật liên quan đến chất lượng video/audio của bài giảng hoặc tài liệu đi kèm cần được chú trọng hơn.
-
Đối với các lớp học truyền thống, trong nhiều trường hợp người dạy chỉ cung cấp trích dẫn hoặc danh sách tài liệu (reading list) cho người học. Trong khi đó, các khóa học MOOC phải cung cấp đầy đủ tài liệu đi kèm, bao gồm cả tài liệu tự biên soạn và tài liệu được phân phối trên Web dưới dạng học liệu mở (Open Educational Resources).
-
Các bài kiểm tra, bài tập đều được thực hiện và đánh giá online, do đó nội dung cũng cần được điều chỉnh sao cho phù hợp.
-
Yêu cầu về bản quyền đối với tài nguyên hỗ trợ việc học (bao gồm cả chú thích, trích dẫn, biểu đồ, hình minh họa) cũng được thắt chặt hơn.
Việc huy động đủ nguồn lực và hoạch định chiến lược cần thiết rất quan trọng trong việc xây dựng và triển khai MOOC:
-
Đội ngũ giảng dạy phải có khả năng trình bày tốt bên cạnh khả năng chuyên môn. Cùng với sự hỗ trợ từ đội ngũ kĩ thuật (platform, quay phim, thiết kế đồ họa, quản trị viên, kiểm thử, quản lý dự án…), đây là nguồn nhân lực chính quyết định chất lượng của MOOC. Ngoài ra do quá trình xây dựng nội dung khóa học và quay phim có thể tốn nhiều thời gian và công sức nên khả năng làm việc nhóm cũng như tính kiên nhẫn cũng là các tố chất cần thiết.
-
Đối tác xây dựng khóa học (platform, server…) cần phải được chọn lựa dựa trên nhiều yếu tố
-
Thời gian từ lúc công bố khóa học cho tới lúc chính thức triển khai cần được cân nhắc sao cho đảm bảo được thời gian chuẩn bị cho khóa học
-
Để tăng cường tính tương tác của khóa học, một số khóa học cho phép người học tham gia xây dựng bằng cách thảo luận (discussion), đóng góp nội dung (bài luận, video, hình ảnh…). Với số lượng người học lớn, chiến lược này cũng góp phần trong quá trình xây dựng tri thức tập thể.
-
Do không bị giới hạn về vị trí địa lý, MOOC thường hướng đến đối tượng người học trên phạm vi toàn cầu. Để đạt được mục tiêu trên, nội dung cũng như ngôn ngữ giảng dạy nên được xây dựng sao cho phù hợp. Các khóa học sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy thường thu hút nhiều học viên hơn so với các ngôn ngữ khác. Đối với các khóa học mang tính địa phương hóa hoặc có hướng tiếp cận các thị trường ngôn ngữ khác, các nhà tổ chức khóa học cần chú ý huy động và sử dụng nhân lực phù hợp cho việc xây dựng phụ đề hoặc biên dịch nội dung học.
Từ phía người học, đặc biệt là những người nghèo, sẽ có cơ hội tiếp cận với nội dung giáo dục chất lượng cao. Tuy vậy, người học cần có những sự chuẩn bị nhất định để có thể thành công với các khóa học MOOCs.
Những người ủng hộ MOOC cũng như các nhà cung cấp đều đã có những nỗ lực để giúp MOOC phát triển. MOOC đang phát triển hi vọng sẽ định hình lại giáo dục toàn cầu, khi người học không cần phải đến trường đi học mà có thể học được mọi nơi trên thế giới. MOOC đang thực sự tạo ra một trào lưu mới trong giáo dục số trên phạm vi rộng lớn và sâu sắc. Đối với người học, MOOC rõ ràng đã tạo ra một cơ hội học tập chưa từng có. Với sự chuẩn bị và định hướng tốt, người học giờ đây có thể hiện thực hóa việc học tập suốt đời ở trình độ cao với chi phí rất dễ chịu.
Một số trường Đại học cũng bắt đầu khai thác mô hình MOOC để tiếp cận nhiều sinh viên hơn cũng như cắt giảm chi phí đào tạo, trong đó đáng chú ý có sự kiện viện công nghệ Georgia (Georgia Institute of Technology) triển khai 2 chương trình đào tạo thạc sĩ trực tuyến (Online Master) về Computer Science (triển khai cùng với AT&T trên platform Udacity) và Analytics (hợp tác với edX) với chi phí thấp hơn đáng kể so với các chương trình đào tạo từ xa truyền thống hay The Open University, một trường vốn có thế mạnh về đào tạo từ xa, giới thiệu và triển khai platform FutureLearn vốn được xây dựng theo mô hình MOOC.
Ở Việt Nam, TS Giáp Văn Dương đã mở MOOC đầu tiên mang tên GiapSchool để góp một tiếng nói vào đổi mới giáo dục, tuy nhiên chưa có những bằng chứng về thành công ấn tượng. Các tổ chức và cá nhân vẫn còn rất dè dặt trong việc khai thác MOOC.
Bên cạnh việc cung cấp kiến thức đến cho học viên, các platform lớn về MOOC còn đặt mục tiêu làm cho các khóa học của họ được công nhận rộng rãi. Để giải quyết vấn đề trên, họ đã hợp tác với nhiều đối tác từ các trường Đại học cho đến các công ty, tổ chức lớn, có thể kể đến edX với các khóa học Professional Education.
Không chỉ là 1 nơi public các khóa học như các trang web, đây là 1 platform. Chúng ta có thể tích hợp nhiều các service khác nhau. Có thể kể đến như phân tích dữ liệu người học có tập trung hay không bằng các cảm biến (chuột, camera quét tập trung mắt), AI, hệ gợi ý để đưa ra nội dung học phù hợp nhất.... Có thể thấy các servise này nế dc tích hợp và triển khai thì coi như hết đường ngủ gật trong giờ cho 1 loạt thế hệ rồi nhỉ (hehe)
5. Top 10 MOOC platforms
- Canvas Network
- Cognitive Class
- Coursera
- edX
- FutureLearn
- iversity
- Kadenze
- Khan Academy
- Udacity
- Udemy
Trong những cái tên này thì Udemy và Coursera là 2 cái tên mà có lẽ nhiều người học biết đến nhất, có quy mô lớn và có nhiều khóa học. Chi tiết
6. Ứng dụng MOOCs tại Việt Nam
Có thể nói rằng, MOOCs là xu hướng của thời đại và để có thể phát triển ngang tầm khu vực và tiến xa hơn là thế giới thì Việt Nam phải bắt đầu có những kế hoạch chiến lược phù hợp. Tuy nhiên, những nổ lực thay đổi cho phù hợp với xu hướng của thế giới và nhu cầu của thời đại cũng như thích ứng với phương pháp tiếp cận MOOCs của những nước đang phát triển, đặc biệt là trường hợp của Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn ban đầu. Do đó, những nghiên cứu, đánh giá về cách thức tiếp cận và triển MOOCs trong giáo dục đại học ở một số nước đang phát triển, như trường hợp của Việt Nam, vẫn còn chưa đầy đủ. Hơn nữa, tại Việt Nam, nhiều mô hình đào tạo trực tuyến ra đời, và nhiều khóa học trực tuyến miễn phí được xây dựng đại trà nhưng vẫn chưa được đánh giá đúng về chất lượng.
Hiện tại, không có khóa học công khai nào về các MOOCs trên toàn thế giới hiển thị nội dung bằng tiếng Việt. Thực tế này giúp các MOOCs tại Việt Nam có cơ hội phát triển để phục vụ thị trường địa phương, trước khi mở rộng hơn nữa ra ngoài thế giới.
Nắm bắt xu thế này, Trường Đại học Mở Thành Phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và xây dựng mô hình giáo dục trực tuyến mở đại chúng với tên gọi VMOOCs (Viết tắt của Việt Nam’s MOOCs). VMOOCs ra đời nhằm mục tiêu cung cấp các khóa học miễn phí góp phần nâng cao dân trí và thúc đẩy việc học tập suốt đời của người dân trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự bùng nổ cuộc cách mạng 4.0.
Có thể trong tương lại không xa tôi và các bạn có thể triền khai hệ thống này (bietdauday) vì 1 thế hệ không còn phải đi học.
Bài này mình nghĩ tìm hiểu như vậy thôi nha, dài lắm. Đây sẽ là 1 seri mà nên bạn đón đọc số thứ 3 nhé, mình sẽ tìm hiều về Edx và OpenEdx link ở đây nha. Chúc mn ngày mới làm việc hiệu quả. (goodluck)