Tìm hiểu về chứng chỉ quản lý dự án PMP và những thay đổi đáng chú ý

    Một trong những câu hỏi mà các IT Project Manager (PM) thường đặt ra: “Chứng chỉ quản lý dự án PMP thật sự có giá trị? PMP giúp gì cho việc phát triển nghề nghiệp của các PM?” Bài viết dưới đây sẽ mang lại cho bạn câu trả lời. Bài viết cũng cung cấp các thông tin cần thiết về về học và thi PMP cùng những thông tin hữu ích khác xung quanh những thay đổi về cuộc thi vào tháng 01 năm 2021.

    

1. Chứng chỉ PMP là gì?

    PMP, viết tắt của Project Management Professional, là chứng chỉ quản lý dự án có uy tín nhất trên toàn cầu do hiệp hội quản lý dự án Project Management Institute (PMI) có trụ sở tại Mỹ cấp. PMP được xếp vào danh sách các chứng chỉ có giá trị vì những người có chứng chỉ này đã chứng minh được những kỹ năng, kinh nghiệm và hiểu rõ các quy trình về quản lý dự án. Đã có gần một triệu chứng chỉ PMP được cấp trên toàn thế giới cho đến đầu tháng 05 năm 2020.

2. Tại sao chứng chỉ PMP được đánh giá cao?

  • Để có được dự thi PMP, bạn cần phải thỏa được các điều kiện khó khăn của PMI (xem phần điều kiện thi bên dưới).
  • Để có đủ kiến thực dự thi, ngoài những điều kiện đặt ra của PMI bạn phải học và nắm vững PMBOK® Guide (Project Management Body of Knowledge). Đây là bộ tiêu chuẩn quản lý dự án do PMI quy định. Theo thống kê thông thường cần 300 – 400 giờ để học.
  • Sau khi đã đạt PMP, bạn phải duy trì chứng chỉ bằng những hoạt động như quản lý dự án, tham dự các khóa học… với tổng số PDU (Professional Development Units) là 60 cho mỗi chu kỳ 3 năm.
  • Chứng chỉ PMP được công nhận toàn cầu và người có PMP có thể quản lý dự án trong mọi lĩnh vực không riêng gì IT.

3. Điều kiện để thi PMP

    Nếu đã tốt nghiệp Đại học:

  • Có ít nhất 3 năm (tương đương 36 tháng) kinh nghiệm quản lý dự án thực tế.
  • Số giờ quản lý dự án: 4,500 giờ.
  • Đã tham gia ít nhất 35 giờ học về quản lý dự án do các đối tác hoặc các nhà cung cấp đào tạo về dự án mà PMI chấp nhận. Hoặc bạn đã có chứng chỉ CAPM® , là một loại chứng chỉ dành cho những người quản lý dự án ít kinh nghiệm hơn cũng do PMI cấp.

    Nếu bạn mới tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc cao đẳng:

  • Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm (60 tháng) quản lý dự án
  • Số giờ quản lý dự án: 7,500 giờ
  • Tham dự 35 giờ học về quản lý dự án, hoặc đã có chứng chỉ CAPM®

4. Chi phí thi PMP

  • Nếu bạn là thành viên của PMI (PMI Member): US$405.00
  • Nếu bạn không là thành viên (Non-member): US$555.00

    Lệ phí đăng ký PMI member hàng năm là US$129.00

5. Tài liệu thi PMP

    Các câu hỏi trong kỳ thi PMP đều dựa vào PMBOK® Guide. Vì vậy đây là tại liệu chính để học thi PMP. Nếu bạn là thành viên có đóng phí hàng năm của PMI thì có thể mua tài liệu này với giá US$49.50. Ngược lại bạn phải mua với giá US$99.00. Phiên bảng mới nhất của PMBOK® là phiên bảng 6 (sixth edition). Nếu mua e-book trên Amazon có thể rẻ hơn. Tuy nhiên khi mua trực tiếp trên PMI bạn sẽ có tài liệu đính kèm Agile Practice Guide.

    Ngoài PMBOK® Guide còn có các tài liệu sau có thể sử dụng:

  • PMP exam Prep, 9th Edition của tác giả Rita Mulcahy. Cấu trúc của tài liệu này khá dễ đọc. Trừ chương 1, 2, 3 cung cấp các thông tin về kỳ thi PMP và cách sử dụng sách, project management framework và processes, từ chương 4 trở đi là tương đồng với các knowledge areas của PMBOK. Bạn có thể sử dụng song song cả PMBOK và PMP Exam Prep. Một số người chỉ sử dụng tài liệu của Rita. Kinh nghiệm là nếu đọc cả hai thì nên đọc PMP Exam Prep trước rồi tham khảo thêm PMBOK thì sẽ dễ hiểu hơn là ngược lại.
  • Head First PMP, 4th Edition của hai đồng tác giả Jennifer Greene, Andrew Stellman. Sách này đọc khá dễ hiểu nhưng tốt nhất là nên đọc cùng với PMBOK vì thông tin không đầy đủ như PMP exam Prep của Rita.

6. Cấu trúc đề thi PMP trước và sau tháng 01 2021

    Kỳ thi PMP diễn ra trong vòng 4 tiếng (240 phút) cho 200 câu hỏi. Theo thông báo mới nhất, cấu trúc đề thi PMP ( PMP Examination Content Outline) sẽ thay đổi từ 02 Jan 2021. Kế hoạch trước đây là áp dụng cấu trúc mới từ tháng 07 năm 2020. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid nên kế hoạch đã thay đổi.

    Nếu bạn thi PMP từ thời điểm này cho đến hết tháng 12 2020, câu hỏi thi sẽ như sau:

  • 13% câu hỏi liên quan đến khởi tạo dự án (Initiating)
  • 24% câu hỏi sẽ tập trung vào việc lập kế hoạch (Planning)
  • 31% câu hỏi liên quan đến thực thi (Executing)
  • 25% câu hỏi thuộc về quản lý (Monitoring and Controlling)
  • 7% còn lại là phần kết thúc dự án (Closing)

    Từ tháng 01 2021, cấu trúc câu hỏi thi sẽ khác:

  • 42% câu hỏi liên quan đến Con người (People)
  • 50% câu hỏi về Quy trình (Process)
  • 8% còn lại là Môi trường kinh doanh (Business Environment)

    Việc thay đổi này có thể sẽ làm cho kỳ thi PMP khó hơn và sẽ có các câu hỏi về Agile. PMBOK® Guide sixth edition vẫn còn hiệu lực. Bạn có thể xem danh sách các tài liệu chính thức do PMI phê chuẩn cho các kỳ thi PMP từ tháng 01 2021.

    Nếu bạn đang có kế hoạch thi PMP thì nên cố gắng thi trước tháng 01 2021 có lẽ sẽ dễ dàng tìm thông tin tham khảo và học hỏi kinh nghiệm hơn. Chưa xác nhận chính thức nhưng có thể PMBOK seventh edition sẽ được release trong Q4 2020 và như vậy có thể lượng thông tin, kiến thức sẽ thay đổi.

7. Làm thế nào có đủ 35 contact hour để đăng ký thi?

    Để có được 35 giờ học chính thức về quản lý dự án (35 contact hour) bạn thể học bằng các hình thức:

  • Học PMP online: các trung tâm đào tạo như nước ngoài IIL, Invensis Learning… đều có các khóa học online về PMP và bạn có thể đăng ký học dễ dàng từ Việt Nam. Giá khoảng US$800 cho một khóa. Tại Việt Nam bạn cũng có thể tìm các khóa học PMP online tại Atoha hoặc một số trung tâm khác.
  • Học PMP offline: hiện nay đã có khá nhiều đơn vị đào tạo dạy về PMP như Atoha, KPS training, PMA, Viện FMIT.. Giá khoảng dưới 15,000,000 VNĐ cho một khóa học tùy trung tâm.

8. Kinh nghiệm học, chuẩn bị và thi PMP

    Một số kinh nghiệm chuẩn bị và học PMP hiệu quả dành cho các bạn đang có kế hoạch thi lấy chứng chỉ này:

  • Nên lên kế hoạch ít nhất 3 tháng trước kỳ thi.
  • Nếu bạn đã đủ điều kiện để đăng ký (số năm kinh nghiệm, số giờ làm dự án, có đủ 35 contact hour…), đăng ký dự thi tại địa chỉ với PMI càng sớm càng tốt.
  • Nếu chưa có đủ 35 contact hour, bạn cần đăng ký học càng sớm để có thời gian và nền tảng để có thể đọc và hiểu PMBOK® dễ dàng hơn.
  • Bỏ thời gian mỗi ngày khoảng 1,5 đến 2 tiếng để học PMBOK® . Nếu bạn quyết định dùng cả PMP exam Prep của Rita thì đọc tài liệu này trước và tham khảo PMBOK® như đã nói ở trên.
  • Nên đọc tài liệu ít nhất 2 lần. Bạn nên đánh dấu những chỗ cần xem lại để hiệu quả hơn trong lần đọc tiếp theo.
  • Chỉ có khoảng 5-10% candidates được chọn kiểm để kiểm tra (audit) các thông tin cung cấp khi đăng ký. Tuy nhiên để không mất thời gian bạn cần chuẩn bị các thông tin như thông tin tham khảo, thông tin chi tiết các khóa học.. để có thể cung cấp cho PMI khi có yêu cầu.
  • Nên thử qua các bài thi giả lập PMP Exam simulator để biết hình thức thi và kiểm tra kiến thức. Lưu ý đây không phải là các câu hỏi DUMP. Các câu hỏi thi thật đều khác với các câu hỏi thi thử. Tuy nhiên simulator giúp bạn rất nhiều trong việc kiểm tra kiến thức, tập thi dưới áp lực. Một số nguồn simulator tin cậy (và tất nhiên bạn phải mua): Udemy, Pmmasterprep, RMC Learning Solution, Master of Project Academy…

    Nếu bạn lên kế hoạch thi trước tháng 01 2021:

  • Lên kế hoạch thi trước khoảng 2 tháng trước khi kỳ thi thay đổi, tức thi trước 31 tháng 10 2020 để tránh cập rập.
  • Trong trường hợp bạn không qua được kỳ thi, bạn vẫn đủ thời gian để đăng ký thi lại trước khi kỳ thi thay đổi. PMI không quy định số ngày phải chờ để đăng ký thi lại.

    Nếu bạn lên kế hoạch thi sau 02/01/2020:

  • Tiếp tục sử dụng PMBOK phiên bảng 6 cho đến khi có thông báo mới.
  • Bạn cần phải đọc thêm tài liệu về Agile: The Agile Practice Guide. Nếu mua PMBOK trên PMI bạn sẽ có luôn tài liệu này.

9. Thi PMP ở đâu?

    Kể từ tháng 07/2019, các kỳ thi PMP tại Việt Nam đã được chuyển từ Prometric sang Pearson VUE. Tại Việt Nam, Pearson VUE có 18 trung tâm khảo thí (Test Center). Tuy nhiên, đến tháng 05/2020 chỉ có 2 trung tâm là đủ điều kiện của PMI để có thể tổ chức thi PMP:

  • VIET Professional Co Ltd: 149/1D Ung Văn Khiêm, P.25, Q.Bình Thạnh, TP. HCM. Tel: (+84) 2835 124 257
  • IPMAC Information Technology Joint Stock Company: Tầng 6, Tòa nhà Kim Ánh, ngõ 78, phố Duy Tân, Q.Cầu Giấy, Hà Nội. Tel: (+84) 2437 710 679

    Lưu ý là do số lượng trung tâm được phép tổ chức PMP ở Việt Nam ít nên có thể có khó khăng trong việc đăng ký lịch theo ý muốn. Vì vậy bạn cần lên kế hoạch thi sớm nhất có thể.

10. ITTO là gì trong PMP?

    Một trong những câu hỏi mà những người chuẩn bị thi PMP thường đặt ra: “ITTO là gì và có cần học thuộc không?” ITTO là viết tắt của:

  • I: Inputs, tức đầu vào
  • TT: Tools & Techniques, tức công cụ và kỹ thuật để xử lý những nguyên liệu đầu vào
  • O: Outputs, kết quả đạt được.

    Một ví dụ về ITTO của quy trình Develop Project Charter:

    

    ITTO PMBOK dùng trong thi chứng chỉ PMP

    Kinh nghiệm của những người đã thi đậu PMP là cần phải hiểu trước khi nghĩ đến chuyện thuộc. Và khi bạn đã hiểu rõ được cũng có nghĩa là bạn có thể nhớ dễ dàng hơn. Tất nhiên nếu bạn có thể học thuộc thì cũng chẳng sao cả.

11. Duy trì chứng chỉ PMP

    Thi xong và đạt được chứng chỉ PMP không có nghĩa là bạn không phải làm gì nữa và bằng sẽ có giá trị mãi mãi. Trong mỗi 03 năm bạn phải đạt được 60 PDU (Professional Development Units) để duy trì chứng chỉ này thông qua chương trình Continuing Certification Requirements (CCR) Program. Mỗi PDU tương ứng với 1 giờ trong các hoạt động học, dạy, tình nguyện, làm việc… liên quan đến quản lý dự án. Chi tiết có thể xem thêm trên PMI.

    Lưu ý là bạn cũng cần phải đóng một khoảng phí là US$150.00 cho non-PMI member và US$60.00 nếu là thành viên của PMI khi renew chứng chỉ mỗi chu kỳ 03 năm sau khi đã có đủ 60 PDU.

12. Có nên đăng ký membership PMP?

    Câu trả lời là nên. Với chi phí là US$129.00 (thêm US$10.00 cho lần đăng ký đầu tiên) bạn sẽ nhận được khá nhiều quyền lợi khi là thành viên của PMI:

  • Được giảm chi phí thi (US$405.00 thay vì US$555).
  • Truy cập và tải các ấn bảng, tiêu chuẩn PMI miễn phí
  • Miễn phí hoặc được giảm giá khi tải các tài liệu nghiên cứu do PMI phát hành.
  • Mua sách giảm giá trên PMI marketplace.
  • Truy cập vào PMI Career Center với nhiều thông tin hữu ích cho các project manager.
  • Nhận miễn phí 2 tạp chí PM Network và PMI Today.
  • Tham gia vào các hiệp hội PMI địa phương (local PMI chapter). Tại Việt Nam bạn cũng có thể tham gia vào PMI Vietnam Chapter.
  • Có cơ hội kết nối học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các PMP khác.
  • Nhận PDU miễn phí cho việc duy trì chứng chỉ PMP bằng cách tham gia vào webinars miễn phí của PMI.

13. Có chứng chỉ PMP có đảm bảo tăng lương?

    Có chứng chỉ PMP không có nghĩa là bạn sẽ được tăng lương. Tuy nhiên cơ hội để bạn tham gia quản lý các dự án lớn, phức tạp, hoặc cơ hội để tìm kiếm những vị trí thách thức là nhiều hơn. Và khi đã chứng minh được năng lực và có PMP, bạn có nhiều cơ hội để có mức lương tốt hơn. PMP không phải là giấy chứng nhận tăng lương cho bạn.

    Tin đáng khích lệ cho những ai có chứng chỉ PMP là theo kết quả khảo sát của PMI gần đây, những người có PMP có mức thu nhập cao hơn người không có PMP. Không có thông tin về mức lương PMP ở Việt Nam. Bạn có thể xem bảng bên dưới:

    Lương tăng khi có chứng chỉ PMP

14. Số người có chứng chỉ PMP ở Việt Nam

    Những người có được PMP đầu tiên tại Việt Nam là vào năm 2003. Tuy nhiên đó là 2 người nước ngoài thi PMP tại Việt Nam. Năm 2004 Việt Nam không có thêm PMP nào được ghi nhận. Năm 2005 cũng chỉ có hai người, trong đó có 1 người Việt. Kể từ 2007 số lượng người có PMP tại Việt Nam dần tăng lên và ngày càng nhiều hơn trong khoảng 5 năm trở lại đây. Tới thời điểm này ở Việt Nam đã có hơn 1000 người có được chứng chỉ PMP. 15. PMP có phải là chứng chỉ quản lý dự án duy nhất?

    PMP không phải là chứng chỉ quản lý dự án duy nhất nhưng là một trong những chứng chỉ uy tín nhất. Ngoài PMP có thể kể đến các chứng chỉ khác:

  • CAPM – Certified Associate Project Management: chứng chỉ cũng do PMI cấp. Điều kiện để thi CAPM thấp hơn PMP.
  • ComTIA Project +: chứng chỉ này có thể so sánh với CAPM, dành cho những người chưa có nhiều kinh nghiệm.
  • PRINCE2 Foudation & PRINCE2 Practitioner: Cấp bởi tổ chức AXELOS, UK và không đòi hỏi bạn phải chứng minh có kinh nghiệm như PMP.
  • Associate in Project Management (APM): dành cho những ai mới bắt đầu với quản lý dự án.
  • Certified Project Director (CPD): dành cho những PM có kinh nghiệm. CPD có giá trị trong 5 năm và bạn hoặc thi lại hoặc tham dự các khóa học để có đủ số continuing education units (CEUs) theo quy định (tương tự PDU của PMI). Cả chứng chỉ APM và CDP đều do Global Association for Quality Management (GAQM)® cấp.
  • Các chứng chỉ Agile Project Management: Certified ScrumMaster (CSM), Professional Scrum Master (PSM)

Lời kết

    Có được chứng chỉ PMP là một nỗ lực đáng tự hào. Bạn sẽ được sự nể trọng nhất định, có nhiều cơ hội thăng tiến và có mức lương tốt hơn. Nếu bạn chưa có PMP và đang theo đuổi con đường quản lý dự án một cách nghiêm túc thì thi lấy chứng chỉ PMP là một quyết định hoàn toàn đúng đắng. Mặc dù vậy chứng chỉ này không phải là giấy đảm bảo rằng người có PMP là một quản lý dự án xuất sắc và có thể làm tốt hơn những project manager khác. Bạn cần phải nỗ lực và thể hiện qua các dự án cụ thể và như vậy mới có thể chứng thực cho tấm bằng PMP của bạn.

    Bài gốc được đăng trên ITguru Blog: https://itguru.vn/blog/tim-hieu-ve-chung-chi-quan-ly-du-an-pmp/

Nguồn: Viblo

Bình luận
Vui lòng đăng nhập để bình luận
Một số bài viết liên quan